Atlantic và hành trình mở ra chiếc hộp kim cương FSEL

20/07/2024
  
 

"Làm giáo dục không nên vội vã, không sốt ruột, mới có thể chinh phục được những đỉnh cao mới", bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chủ tịch tập đoàn Atlantic chia sẻ.

Nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ với thương hiệu Five-Star English nhưng ít ai biết mô hình tiếng Anh 5 sao này của Tập đoàn Giáo dục Atlantic lại là doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn".

Chủ tịch Tập đoàn Atlantic Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ về con đường thành công và tương lai của Atlantic trong bối cảnh mô hình đào tạo ngoại ngữ đang có những bước chuyển đổi nhanh chóng, đặc biệt khi Atlantic chuẩn bị ra mắt phương pháp giáo dục mới - FSEL.

Khi tìm hiểu về Atlantic, nhiều người ấn tượng về mỗi bước đi kèm theo một thành tựu của Atlantic. Trong mỗi chặng đường này, lại thấy rõ bản lĩnh cũng như tầm nhìn của nhà đầu tư, chị có thể xâu chuỗi lại hành trình này của Atlantic? 

- Trong 20 năm qua, trước mỗi quyết định đầu tư, Atlantic đều hướng đến chất lượng đào tạo và lợi ích của học sinh. 

Năm 2003, Atlantic bắt đầu làm du học. Đến năm 2011 vì chứng kiến nhiều học sinh du học bị sốc ngôn ngữ, văn hóa, sốc phương pháp học tập nên tôi bắt tay vào nghiên cứu về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam và trăn trở về một mô hình đào tạo ngoại ngữ toàn diện. 

Đến tận năm 2015, nhận thấy mình có thể giải quyết và mang lại lợi ích tốt hơn cho học sinh, Atlantic đón nhận cơ duyên gia nhập đào tạo tiếng Anh bổ trợ liên kết trong các trường công lập. Ở thời điểm này, chúng tôi là đơn vị duy nhất hợp tác với Đại học Auckland (New Zealand) để thiết kế giáo trình bổ trợ kỹ năng nghe và nói cho học sinh dựa trên sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. 

Đây là chương trình bổ trợ diện rộng giúp học sinh tự tin giao tiếp, chưa phải là chương trình chất lượng cao có đầu ra bằng chứng chỉ quốc tế, chưa phải sản phẩm phát triển năng lực tiếng Anh tổng thể với đầy đủ các kỹ năng toàn diện như tôi đã ấp ủ.

Phải sau hơn một năm tích lũy được kinh nghiệm giảng dạy, Atlantic mới quay lại giải quyết nỗi trăn trở từ năm 2011 là đào tạo tiếng Anh toàn diện giúp các học sinh du học hội nhập giáo dục quốc tế dễ dàng hơn bằng việc ra đời hệ thống trung tâm Anh ngữ 5 sao Atlantic Five-Star English. 

Mô hình này, không chỉ trau dồi về các kỹ năng tiếng Anh và còn giúp học sinh được trang bị kỹ năng SLATE (Soft skills - kỹ năng mềm, Life skills - kỹ năng sống, Academic skills - kỹ năng học thuật, Testing skills - kỹ năng làm bài thi, English skills - kỹ năng Anh ngữ toàn diện) giúp các em hội nhập quốc tế thành công. 
 

Vào năm 2018, khi trung tâm tiếng Anh 5 sao đã chứng minh được hiệu quả, chúng tôi muốn nhân bản mô hình đào tạo này nên đã đưa chương trình IELTS, tiếng Anh học thuật vào các trường học. Cũng trong năm này, Atlantic và 2 đơn vị khác được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các nhà trường chọn làm đơn vị thí điểm đào tạo chương trình Song bằng quốc tế. 

Trên nền tảng vững vàng đang có, năm 2020, Atlantic tham gia chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh theo đề án "Đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên". 

Tiếp đến là giai đoạn Covid-19 đã thúc đẩy chúng tôi tham gia vào quá trình nghiên cứu để chuyển đổi chương trình đào tạo trực tiếp truyền thống của hệ thống trung tâm Anh ngữ 5 sao sang nền tảng online Five-Star E-Learning (FSEL) nhằm giúp cho nhiều học sinh được tiếp cận việc học tiếng Anh chất lượng cao mà không cần phải di chuyển tới lớp học. 

Nhìn lại đường đi của Atlantic trong vòng 20 năm qua, một điểm chung là đi chắc chắn, đi có lộ trình, khác với nhiều doanh nghiệp đánh nhanh, thắng nhanh. Ở cương vị một nhà đầu tư, vì sao chị lại chọn cách dẫn dắt Atlantic theo hướng "đi đến đâu chắc đến đó" mà không phải làm thần tốc để thu lời?  

- Trong chiến lược phát triển, tôi không sốt ruột trước những cơn bão đổ bộ của các ông lớn giáo dục trên thị trường. Trên mỗi lộ trình, chúng tôi chú trọng phát triển bền vững, luôn đặt câu hỏi sản phẩm, dịch vụ của mình có mang lại lợi ích vượt trội cho khách hàng hay không. Thứ 2 là nguồn lực của mình có đảm bảo để vượt qua được những điều kiện bất lợi của ngoại cảnh hay không. Nguồn lực gồm tài chính, công nghệ, hệ thống… là những thứ doanh nghiệp có thể chủ động, dùng đòn bẩy được. Nhưng nguồn lực con người, đặc biệt là giáo viên với tiêu chuẩn 5 sao - coi giáo dục là sự nghiệp trọn đời, là người truyền cảm hứng cho học sinh thì hiếm như "lá mùa thu" và không có đòn bẩy nào có thể giải quyết được. Và chúng tôi tự tin vì đã kiên trì gây dựng được đội ngũ giáo viên chất lượng này. 

Chúng tôi xác định, mình chỉ xâm nhập thị trường khi đã sẵn sàng đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho hàng triệu học sinh. Phải dành tận 4 năm chuẩn bị, chúng tôi mới có thể ra đời được ứng dụng đào tạo ngoại ngữ FSEL. Sau này bạn cũng sẽ thấy, FSEL vẫn đi từng bước để đảm bảo cam kết chất lượng 5 sao. 

Làm kinh doanh giáo dục là không vội vã, không sốt ruột, mới có thể chinh phục được những đỉnh cao mới. 

 

Thực tế trong một vài năm trở lại đây, các App học ngoại ngữ rất nhiều nhưng chưa chứng minh được hiệu quả cho người dùng, vậy chị và các cộng sự FSEL có chiến lược gì để làm tốt hơn?

- Bây giờ, trước mặt bạn có ba cái hộp đều đựng đồ bên trong: một cái đựng bánh, bạn sẽ gọi là hộp bánh, một cái đựng vàng, bạn sẽ gọi là hộp vàng, một cái đựng kim cương, bạn sẽ gọi đó là hộp kim cương.

Công nghệ là cái vỏ hộp mà FSEL sẽ đặt kim cương vào đó. Đây là niềm tin cũng như quyết tâm của Atlantic khi xây dựng FSEL.  

 

Nguyên liệu nào có thể coi là "kim cương" trong chiếc hộp công nghệ FSEL?  

- FSEL là giải pháp được Atlantic đóng gói cho học sinh Việt mang tính tương tác cao, có thể thay thế mô hình học tại trung tâm Anh ngữ có lộ trình đánh giá đầu vào và đầu ra, riêng tiếng Anh là giáo trình theo chuẩn Cambridge. 

Nhờ ứng dụng công nghệ, FSEL sẽ đáp ứng nhu cầu học ngôn ngữ và các chương trình quốc tế chất lượng cao của mọi tầng lớp kinh tế. Thay vì phải đóng vài chục triệu đồng cho con học tiếng Anh chất lượng cao trong một năm, phụ huynh trên cả nước có thể chọn FSEL với mức học phí chỉ bằng 1/10 so với chi phí học trực tiếp tại trung tâm, tương đương khoảng 10.000 đồng/ngày. 

Không chỉ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ mục tiêu, FSEL còn giúp các con xây dựng thói quen học tập chủ động từ nhỏ. Bên cạnh đó, việc thực hành kỹ năng nói và viết được phản hồi bởi Trí tuệ nhân tạo AI cũng giúp các bạn nhỏ tự tin giao tiếp hơn, không còn lo sợ bị nhận xét, phán xét, chê cười khi làm bài sai hoặc nói sai.

 
 
Chất lượng "5 sao" cũng là một phần nguyên liệu kim cương của FSEL?

- Chất lượng giáo viên giảng dạy trên nền tảng này là 5 sao. Ngay sau khi học xong mỗi Lesson (đơn vị bài học), các con có kết quả nhận xét chính xác từng kỹ năng bởi hệ thống của FSEL và nhận phản hồi, chữa bài cho 2 kỹ năng nói và viết bởi AI ChatGPT được tích hợp. Học sinh được thúc đẩy, ghi nhận, khen thưởng bằng FSEL Coin (hệ thống tiền thưởng trên nền tảng FSEL), hay đưa ra gợi ý cần phải làm để cải thiện kỹ năng còn yếu theo hướng cá nhân hóa, hay các bài tập được mang tính giáo dục và tương tác cao. Đây là việc rất khó để giảng viên tại lớp trực tiếp có thể triển khai đến từng học viên.

FSEL triển khai trên nền tảng trực tuyến, giúp chúng tôi giải quyết nhiều vấn đề mà việc đào tạo trực tiếp không thể đáp ứng được. Và mọi trải nghiệm của học sinh trên đó, chúng tôi đều hướng đến chất lượng 5 sao.

Với chiếc hộp kim cương vượt trội, chị và các cộng sự xây dựng giấc mơ gì cho FSEL? 

- Đó là giấc mơ không ai bị bỏ lại phía sau và bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội học ngoại ngữ. Học sinh ở miền núi, nông thôn, con nhà có điều kiện hay không có điều kiện,… đều được học tiếng Anh bởi những người thầy quốc tế, tiêu chuẩn chất lượng "5 sao" và lộ trình theo chuẩn Cambridge. Chúng tôi mang sứ mệnh phổ cập tiếng Anh đến mọi vùng miền, mọi người Việt.

 

Thông tin từ Cambridge Anh quốc cho biết đến nay ở thị trường Việt Nam, Atlantic là đơn vị còn tồn tại vững vàng trong đề án thí điểm song bằng của giáo dục Thủ đô, lý do vì sao? 

- Mới đây, chúng tôi có buổi họp với ông Melvyn Lim - Quản lý cao cấp vùng của Việt Nam, Lào, Myanma, Campuchia của Cambridge Quốc tế, ông Lim có chia sẻ rằng việc sử dụng chương trình Cambridge có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho hệ thống giáo dục của Việt Nam. Nhưng ông cũng biết dù là ai tham gia đề án này cũng phải đối mặt với nhiều thử thách, vì cách thức triển khai này hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam. 

 

Nhìn lại hành trình hơn 5 năm qua, ông Lim đã tổng kết rằng để có thể triển khai hiệu quả một chương trình giáo dục cần phải đồng bộ được năm yếu tố: mục tiêu đào tạo - giáo trình - việc giảng dạy - việc học tập - việc đánh giá. Tôi nghĩ đây là lý do để Atlantic có thể thành công với đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng này.

Atlantic đã làm được điều mà Cambridge Anh quốc không ngờ đến?

- Đúng vậy, sau 2 năm triển khai ở Việt Nam, 2 đơn vị khác đã bỏ cuộc, còn mỗi Atlantic trụ lại. Với 2 đơn vị bỏ cuộc, tôi không biết khi lên kế hoạch kinh doanh họ có nhận thấy tham gia chương trình Cambridge này là lỗ hay không. Còn ở Atlantic, ngay từ lúc đầu lên kế hoạch đã biết chắc chắn tham gia là lỗ, con số lỗ lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng tôi đã thuyết phục đội ngũ ban lãnh đạo chủ chốt rằng: đưa chương trình Cambridge vào trường học, Atlantic không tìm kiếm lợi nhuận mà tham gia để được làm việc khó nhất, để được tận hiến, để chinh phục.

 

Tôi có nói với đội ngũ nhân sự rằng, nếu không mạnh mẽ xỏ giày leo lên ngọn núi cao đào tạo song bằng có nghĩa là chúng tôi bằng lòng ở lại ngọn đồi đào tạo ngoại ngữ. Nếu leo thành công ngọn núi này chúng tôi có thể tham gia đào tạo bất cứ chương trình gì cũng sẽ thành công.
 
Theo Trường Thịnh - Báo Dân trí
Top