CTO TẬP ĐOÀN ATLANTIC: NGƯỜI CHO SẾP NGỌC LAN VAY 1500 USD ĐỂ "STARTUP", NỖ LỰC KIẾN TẠO MỘT NỀN TẢNG ĐÔT PHÁ HỌC TIẾNG ANH TRONG KỶ NGUYÊN CHUYỂN ĐỔI SỐ

17/02/2024
  

Chủ tịch Ngọc Lan gọi người đàn ông này là "ông tổ" của Du học Atlantic bởi anh là người cho chị mượn tiền để "startup" và không ngừng góp công sức, thời gian trong chặng đường 20 năm qua.

Từ một công ty nhỏ khởi đầu đặt văn phòng tại nơi để xe của nhà chồng tầm 20m2 với chiếc máy tính mua từ nhiều năm to như vỏ thùng carton Lavie, sau 20 năm, văn phòng đó đã trở thành một tập đoàn giáo dục có tiếng tại Việt Nam. Văn phòng của tập đoàn hiện giờ có 2 cơ sở lớn, 500 nhân sự, trong đó ½ nhân sự là người nước ngoài. Ít ai biết, để có được thành công của Atlantic ngày hôm nay là do anh Nguyễn Đại Phúc – anh trai của Sếp Ngọc Lan đã cho em gái mượn 1500$ và không ngừng thúc giục lập nghiệp.

Anh Nguyễn Đại Phúc (cầm mic) và Chủ tịch Ngọc Lan (vest hồng) trong lễ tri ân nhân dịp sự kiện kỷ niệm 20 năm Tập đoàn Atlantic

Trong buổi lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn Giáo dục Atlantic vừa qua, Sếp Ngọc Lan luôn nhắc tới người anh trai bằng lòng biết ơn, sự kính mến: "Anh trai là người khích lệ tôi đứng ra 'startup', buộc tôi phải chèo lái con thuyền giữa Đại Tây Dương. Xin cảm ơn anh rất nhiều, cảm ơn 1500$ của 20 năm trước, cảm ơn sự giúp đỡ anh dành cho em suốt những năm qua và cảm ơn vì anh luôn đồng hành cùng em trên mọi chặng đường, luôn coi em là cô em gái nhỏ bé như ngày nào. Tuy anh là người thúc đẩy tôi leo lên thuyền nhưng chính tôi là người không cho phép mình xuống thuyền cho dù có bất cứ sự cố nào".

Gây dựng sự nghiệp huy hoàng tại Pháp

Anh Nguyễn Đại Phúc là người anh cả của Sếp Ngọc Lan, trong gia đình 3 anh em. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1995, anh công tác tại Tập đoàn Petrolimex, làm các phần mềm về kỹ thuật, kinh doanh. Sau đó, anh thi đỗ vào lớp Cao học được tài trợ bởi Pháp, rồi nhận học bổng sang Bỉ học tập.

Năm 2000, anh Đại Phúc xin việc tại Paris, khởi đầu làm tại công ty khởi nghiệp cùng 2 nhà phát triển người Pháp gốc Do Thái. Năm 2005-2008, đội nhóm của anh phát triển thành công giải pháp quản lý năng lượng thông minh từ các thiết bị IOT, rất cách mạng và mới mẻ thời bấy giờ. Giải pháp mang lại hiệu quả lớn cho quản lý và tiết kiệm năng lượng. Công ty của anh gây tiếng vang lớn tại Pháp và châu Âu. Các Bộ trưởng về Môi trường Nathalie Kosciusko-Morizet và Chantal Jouanno đến thăm và khuyến khích sáng tạo của công ty. Giải pháp được hầu hết các tập đoàn lớn, các thành phố lớn, các trường học dùng và phổ biến tại một vài nước như Bỉ, Thụy Sĩ.
 

Anh Nguyễn Đại Phúc - CTO Công ty FSEL, Tập đoàn giáo dục Atlantic

Năm 2010, một cột mốc quan trọng, tập đoàn Schneider Electrics (150.000 nhân viên) mua công ty của anh Đại Phúc để biến giải pháp Smart Energy cho quy mô quốc tế. Công ty anh được mua với giá 40 triệu Euro, anh cam kết trở thành Kiến trúc sư phần mềm cho Schneider nhằm đưa phần mềm thành giải pháp tổng thể quy mô toàn thế giới.

Năm 2015, hết thời gian cam kết, chuyển giao công nghệ trong vòng 5 năm, anh Đại Phúc rời Schneider để "startup" công ty TM Facility. Ý tưởng là tạo ra sản phẩm độc đáo cho quản lý tòa nhà thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng. Giải pháp TM Facility được dùng bởi các Tập đoàn Airbus, Ariane Group, TP Dijon, các trường Đại học Paris 4, Đại học Paris 13, Đại học Reims,.... Dự án này được chọn là doanh nghiệp công nghệ cao được đầu tư bởi Ngân hàng Bpifrance trong năm 2023 bởi những cống hiến mang lại cho xã hội về giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm chống lại sự thay đổi của khí hậu.

Để có được những thành quả ngọt ngào đó, anh Đại Phúc đã dành cả tuổi trẻ với sự nhiệt huyết để làm việc. Anh luôn tập trung cao độ, làm việc xuyên đêm trong nhiều thời điểm, sống kỷ luật, trách nhiệm và tích cực.

Trở thành "siêu nhân" một lần nữa giải cứu Atlantic

Năm 2020, sau khi triển khai mô hình Tiếng Anh 5 sao Atlantic được gần 5 năm tại Hà Nội, Chủ tịch Ngọc Lan có khát khao cháy bỏng là giúp nhiều học sinh hơn nữa trên cả nước được tiếp cận mô hình học tiếng Anh này thông qua công nghệ. Mục tiêu đặt ra là đưa trung tâm offline lên nền tảng online, mang đến chất lượng như học ở trung tâm nhưng với chi phí vô cùng hợp lý. Và đó là lý do Five-Star E-Learning (FSEL) ra đời, với sứ mệnh giúp cho "mọi học sinh, sinh viên, người đi làm Việt Nam đều có thể thông thạo ngoại ngữ thông qua FSEL".

Thời điểm đó, Chủ tịch Ngọc Lan nhờ anh Đại Phúc tư vấn về FSEL nhưng do doanh nghiệp của anh tại Pháp đang vào guồng quay bận rộn nên các cuộc họp, góp ý chỉ có thể diễn ra online. Thế mạnh của anh là chỉ cần có đầu bài cụ thể, ngay lập tức anh sẽ biết nhiệm vụ của mình và bắt tay thực thi. Tuy nhiên ở thời điểm năm 2020, con đường FSEL phải đi vẫn còn mơ hồ. Đến năm 2022, khi một vị CEO tài hoa về FSEL đã vẽ ra bức tranh công nghệ siêu việt nhưng đến lúc thực thi lại gặp nhiều vấn đề. Chính lúc này, anh Đại Phúc quyết định một lần nữa giang tay cứu giúp Atlantic.
 

Anh Đại Phúc được ví như vị "siêu nhân" cứu giúp FSEL và Atlantic

Anh chia sẻ: "Lương tâm của một kỹ sư Tin học không phải làm một sản phẩm để bàn giao cho khách hàng mà để chính mình biết lỗi ở đâu còn sửa và phát triển nó khi cần". Anh cũng cho biết FSEL cần có một phần mềm độc lập vì những lý do sau: Thứ nhất để không phụ thuộc vào nhà cung cấp mạng nào; thứ hai để có thể cài đặt ở nhiều quốc gia khác nhau; thứ ba là có thể chủ động sửa chữa và phát triển; thứ 4 là nếu chính phủ Việt Nam yêu cần bảo toàn và bảo mật cho học sinh Việt thì có thể đáp ứng.

Tháng 10/2023, sau khi về Việt Nam, anh Đại Phúc trực tiếp làm việc với các kỹ sư phần mềm Gen Z tại FSEL dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe. Sứ mệnh của FSEL là không chỉ giúp hàng triệu học sinh Việt mà các học sinh Pháp – nơi anh sinh sống và học ngoại ngữ một cách dễ dàng.
 

Đội ngũ lãnh đạo của FSEL

Với 30 năm là kỹ sư phần mềm kinh nghiệm quốc tế, anh Đại Phúc trực tiếp tham gia code những phần quan trọng cho phần mềm học tiếng Anh FSEL: Bảo mật hệ thống; Performance hệ thống (hệ thống đáp ứng được hàng triệu người dùng truy cập và tốc độ truy cập vẫn nhanh); Giải pháp giảm phụ thuộc vào Chat GPT (có cách nào để chỉ sử dụng 1 phần của Chat GPT hoặc tự phát triển AI cho riêng FSEL); Nghiên cứu sử dụng và chỉnh sửa 1 opensource về AI hoặc tự phát triển 1 con AI giải quyết bài toán về phát âm do đội nội dung đưa ra.

Anh Đại Phúc trải lòng: "Ngay từ đầu khi tham gia vào dự án, tôi đã chú ý đến cách chọn công nghệ, cách chọn con người cũng như cách để xây dựng phần mềm đảm bảo tất cả các tính năng, công nghệ là hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng chọn công nghệ độc lập, phần lớn các ngôn ngữ lập trình, các công nghệ được chọn đều 'open' để cho phép các giải pháp độc lập hoàn toàn với nhà mạng, với BigTech. Và một ngày nào đó trong tương lai, chúng tôi có thể đưa phần mềm FSEL độc lập đi khắp các môi trường khác nhau, đến cài đặt ở một đất nước nào đó".

Về đội ngũ kỹ sư hiện tại của FSEL, tôi đánh giá cao tầm quan trọng của con người. Vì thế, Atlantic luôn chú trọng chọn những hạt giống tốt, xây dựng đội ngũ tốt cùng công nghệ tốt để phát triển phần mềm phức tạp như FSEL. Và tôi tự hào về đội ngũ hiện tại, đó là các bạn trẻ có khả năng học tập nhanh, làm việc nhóm hiệu quả cùng ứng dụng công nghệ mới nhất của thị trường vào sản phẩm".
 

Biến trung tâm tiếng Anh thành giải pháp One Click Solutions

Về lợi thế riêng của FSEL so với đối thủ, anh Đại Phúc cho biết, để sản phẩm có thể tồn tại và phát triển trên thị trường thì cần chú trọng đến chất lượng cũng như những điểm mới, tính đột phá. Hiện trên thị trường có hàng trăm, hàng nghìn các phần mềm học tiếng Anh, rồi những phần mềm BigTech lớn trên thế giới. Chính vì thế, FSEL cần hướng tới nhu cầu thực tế của học sinh, áp dụng những phương pháp học tiên tiến nhất, biến trung tâm tiếng Anh thành giải pháp One Click Solutions (chỉ một điểm chạm). Ngoài ra, sản phẩm sắp tới còn được tích hợp những công nghệ hiện đại nhất mà các đối thủ khác không có như những ứng dụng về AI, thực tế ảo, thực tế tăng cường, tương tác thông minh giữa thầy giáo với học trò hay giữa các học trò.

Một điểm quan trọng nữa là khả năng thích ứng với cả nhu cầu của đối tượng. Phần mềm của FSEL có khả năng cập nhật rất nhanh, có thể đáp ứng nhu cầu thay đổi và phát triển của các công nghệ tiên tiến trên thị trường. Hơn nữa, phần mềm này còn hướng tới đối tượng là tất cả mọi người có thể học tiếng Anh với giá cả cực kỳ hợp lý. Chúng tôi muốn cung cấp nền tảng tốt để mọi người tiếp cận được những ngôn ngữ khác nhau.

Ngoài ra, anh Đại Phúc cũng cho biết thêm, bảo mật cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng, giống như kiềng 3 chân của phần mềm, là yếu tố sống còn của tập đoàn, của thương hiệu FSEL. Phần mềm phục vụ phải có hạ tầng CQCCI, phần mềm bảo vệ và các hệ thống data, phần mềm lớn. Từ đó hy vọng có thể mang đến hệ thống bảo vệ tối ưu nhất để các user an toàn, không lo mất dữ liệu khi dùng.

Trong thời gian tới, xu hướng công nghệ là tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường. Vì thế, anh Đại Phúc đang cùng đội ngũ kỹ sư của FSEL xây dựng dựa vào hệ thống trí tuệ nhân nhân tạo để độc lập về mô hình trí tuệ nhân tạo cho công ty và sau là ứng dụng vào phần mềm FSEL. FSEL có một điểm mạnh mà nhiều đối thủ không có là khả năng ứng dụng cho nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tới đây, FSEL sẽ tiến hành phát triển tiếng Việt để phục vụ tệp khách hàng Việt kiều. Ngoài ra còn các ngôn ngữ khác như: Tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật để phục vụ cho các nước Châu Âu.

Vị CTO kỳ vọng: "Việt Nam rất hiếu học nên đây sẽ là môi trường thử nghiệm rất tốt để FSEL đạt được thành công. Sau đó, chúng tôi sẽ mở rộng phát triển sang thị trường châu Âu, châu Mỹ . Trong 2 - 5 năm năm tới, tôi muốn học sinh Việt Nam được tiếp xúc với hầu hết các ngôn ngữ trên FSEL. Sau đó, tôi muốn đưa FSEL đến đối tượng Việt kiều trên mọi miền thế giới, giải quyết bài toán học ngoại ngữ.

Tôi cũng có đưa cho con mình học thử ngoại ngữ trên FSEL, các con còn mời thêm hàng chục người bạn Pháp học thử. Các cháu đều bày tỏ thích thú phương pháp này. Nhiều cháu còn hăng hái góp ý cho tôi để cải thiện giải pháp, thay đổi giao diện. Điều này càng khiến tôi thêm phấn khởi, quyết tâm hơn".

 

Ứng Hà Chi

Top